Cải thiện chứng thiếu máu não

Đi khám bác sĩ nói cháu bị thiếu máu não làm cháu rất lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn ngoài việc điều trị theo đơn cháu cần phải làm gì để cải thiện tình trạng trên.

Thu Hà (Quảng Ninh)

Thiếu máu não là tình trạng thiếu máu nuôi não, não bị thiếu máu thì hoạt động thần kinh não bộ sẽ suy giảm ngay, có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu não, trong đó cũng có nguyên nhân do thiếu sắt, chức năng tạo máu của tủy kém hoặc thiếu các chất tạo máu.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn nên chú ý hơn đến việc cải thiện môi trường sống, giảm bớt gánh nặng về tinh thần, nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị thích hợp do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Ngoài ra, nên có thói quen ăn uống thật khoa học để cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu như ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng protein, vitamin, sắt. Ăn thêm một lượng thích hợp các loại thịt, gan, trứng, sữa, vừng...

Căn cứ vào nguyên nhân thiếu máu của từng người để lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng. Nếu thiếu máu do thiếu sắt có thể chọn các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao như huyết lợn, gan lợn, sò biển, đậu nành. Khi dùng món ăn có nhiều chất sắt thì không nên ăn cùng với các loại thực phẩm như rau dền, măng, trà đặc. Không ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn cứng khó tiêu hóa, nhiều chất béo. Không uống cà phê, trà đặc,...

BS. Nguyễn Tuấn

Mát

Đau vùng thắt lưng là một vấn đề thường gặp. Đối với hầu hết mọi người, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khoảng 15% số đó bị đau thắt lưng mạn tính và kéo dài hơn 3 tháng.

Không có nhiều lựa chọn điều trị hiệu quả cho đau thắt lưng mạn tính, và bác sĩ thường kê đơn các thuốc giảm đau opioid. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây nghiện. Những lựa chọn điều trị khác gồm tập thể dục, tiêm steroid, thay đổi hành vi, châm cứu và phẫu thuật.

đau lưng mạn tính

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã xem xét hiệu quả của liệu pháp mát-xa trong giảm đau lưng mạn tính. Hơn 100 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được gặp các nhà trị liệu có kinh nghiệm để đánh giá tình trạng và lên kế hoạch điều trị.

Sau 12 tuần được điều trị bởi các chuyên gia, hơn một nửa số người tham gia đã giảm tình trạng đau lưng và nhiều người tiếp tục báo cáo giảm đau sau 3 tháng. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, liệu pháp mát-xa có hiệu quả hơn ở bệnh nhân ≥ 50 tuổi, tuy nhiên những bệnh nhân trẻ hơn vẫn được lợi.

Bác sĩ Anders Cohen, trưởng khoa phẫu thuật thần kinh thuộc Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, khuyến nghị sử dụng liệu pháp mát-xa cho các bệnh nhân của ông như một phần của kế hoạch điều trị toàn diện.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pain Medicine.

BS P.Liên

(Theo Healthday)

Xử trí khi bị lang ben

Nguyễn Hải(Lạng Sơn)

Lang ben là một bệnh ngoài da phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm; gặp chủ yếu ở người trẻ. Điều kiện thuận lợi để phát bệnh là làn da nóng ẩm do khí hậu, hoạt động thể lực, mặc quần áo bít kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn; do suy giảm miễn dịch; suy dinh dưỡng cũng là những yếu tố làm bệnh dễ phát sinh. Lang ben thường chỉ gây cảm giác châm chích khi nóng nực, ngứa ít hoặc không ngứa. Do đó, người bệnh ít khi chữa trị sớm, nhất là khi tổn thương ở vùng da khó nhìn thấy (vùng lưng). Nếu không ngứa, thương tổn chỉ gây mất thẩm mỹ nên bệnh nhân thường không chữa sớm mà để cho lang ben lan rộng, trở nên khó trị và có thể là nguồn lây cho người khác. Bệnh rất hay tái phát, nhất là khi không biết cách phòng ngừa và điều trị đúng. Đặc biệt một số bệnh ngoài da khác cũng có biểu hiện giống lang ben. Do đó, để biết chính xác bạn nên đưa cháu đến chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.

Để phòng và trị lang ben, vấn đề quan trọng nhất là loại bỏ vi nấm gây bệnh. Bạn nên mặc đồ thoáng, nhất là vào mùa nóng; tắm rửa, thay đồ hằng ngày. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn lau, quần áo... Quần áo và chăn màn phải phơi nắng cho khô, tránh dùng đồ ẩm mốc...

BS. Lan Anh

Bị cảm mà có 7 dấu hiệu này, cần đi khám ngay

Cảm lạnh là tình trạng khá phổ biến và thường không đáng lo ngại, tuy nhiên khi có những dấu hiệu dưới đây bạn cần đi khám vì đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Cảm lạnh kéo dài hơn 3 tuần

Cảm lạnh kèm theo ho kéo dài hơn 3 tuần có thể đáng lo ngại vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen, viêm khổi và các bệnh lý về phổi khác.

Triệu chứng xấu đi

Các triệu chứng giống cúm có vẻ được cải thiện nhưng sau đó trở lại với sốt và ho trầm trọng hơn, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát do viêm phế quản, viêm phổi…Khi thấy những dấu hiệu này, bạn nên đi khám bác sĩ.

Đờm có màu

Thông thường nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn khi bạn bị cảm nhưng nếu đờm có màu lạ, bạn cần cảnh giác. Đó có thể là dấu hiệu tế bào bạch cầu đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, nếu bạn thấy đờm có màu vàng, nâu, xanh hoặc thậm chí có máu thì bạn cần đi khám.

Ngứa mắt hoặc chảy nước mắt

Nếu bạn không ngừng chảy nước mắt, đó có thể là do bạn bị dị ứng chứ không phải cảm lạnh thông thường. Tình trạng này đôi khi rất khó phân biệt. Có hơn một trăm loại vi-rút cảm lạnh. Mỗi loại có xu hướng lây lan vào những thời điểm khác nhau trong năm, đó là lý do tại sao bạn có thể nhầm lẫn cảm lạnh với dị ứng mùa. Các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng có thể bao gồm phát ban, sưng lưỡi, cảm giác ngứa, co thắt dạ dày vv….

Giảm cân

Việc giảm cân không rõ lý do kết hợp với các triệu chứng giống như cảm lạnh có thể là một dấu hiệu của chứng cường giáp, ung thư ác tính, nhiễm vi khuẩn hoặc thậm chí là nhiễm HIV.

Thở rít

Ho là một triệu chứng phổ biến của cảm lạnh, tuy nhiên ho đi kèm thở rít có thể là dấu hiệu của bệnh hen. Trong các đợt hen, đường thở của bạn sẽ sưng và trở nên viêm, bị tắc bởi chất nhầy và sau đó co lại do cơ siết chặt. Việc thở trở nên khó khăn.

Cảm giác áp lực

Bạn cũng nên cảnh giác nếu đang bị đau hoặc chịu áp lực ở một số bộ phận của cơ thể. Ví dụ, nhiễm trùng xoang có thể làm tổn thương đường thở hoặc thậm chí là răng của bạn và đương nhiên có thể gây nhiễm trùng tai. Nếu bạn thấy đau nghiêm trọng trong tai và nếu có dịch tiết ra từ tai, bạn cần đi khám bác sĩ.

BS Thu Vân

(Theo Prevention)

Bảo vệ răng cho bé ngay từ khi còn nhỏ

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con mình có một hàm răng đẹp. Răng ngoài nhiệm vụ nhai nghiền, nhào trộn thức ăn, răng còn có vai trò làm nổi bật gương mặt của trẻ. Để bảo vệ răng cho trẻ các bậc cha mẹ cần làm gì?

Cha mẹ cần làm gì?

Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ngọt, không cho trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo và cần vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ.

Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu protein, canxi, phốt pho, vitaminA và D… để giúp cho răng phát triển vững chắc. Nếu cơ thể không được dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng răng của bé không những mọc chậm mà sau khi mọc còn bị vi khuẩn xâm nhập, gây sâu răng. Khi bé được khoảng 6 tháng đến 2,5 tuổi là thời điểm quan trọng cho răng mọc và phát triển. Phụ huynh nên lưu ý cho bé ăn đầy đủ chất và tăng cường: sữa, thịt, cá, tôm, cà rốt… Ngoài ra cũng nên cho bé ăn thức ăn có chứa fluor, như tôm cua, sò… fluor là yếu tố vi lượng không thể thiếu được cho việc bảo vệ răng. Chất fluor có trong men răng có tác dụng ngăn ngừa sâu răng.

Cần hướng dẫn cho trẻ em chải răng đúng cách.

Giúp bé có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng. Phụ huynh nếu bị sâu răng không nên nhai thức ăn cho trẻ, để tránh vi khuẩn từ người sâu răng truyền sang. Trẻ được 1 tuổi trở đi, sau khi ăn cơm, hoặc trước khi đi ngủ không được ăn bánh kẹo. Bé dưới 1 tuổi trước khi đi ngủ có thể dùng khăn mềm lau răng lợi cho trẻ. Nếu răng của bé có hiện tượng sâu, phụ huynh nên kịp thời đưa con đến bệnh viện hoặc bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.

Nếu con bị sún răng

Trẻ từ 2 đến 3 tuổi, có hiện tượng răng cửa đen dần rồi cụt đi, người ta gọi đó là răng sún. Sún răng là một loại bệnh ở tổ chức cứng của răng sữa bị tổn thương, thường xảy ra ở nhóm răng hàm trên, lúc đầu ở phần giữa mặt ngoài răng cửa trên sát cổ răng xuất hiên một chấm đen sau lan rộng theo một đường ngang sang mặt bên, men bị vụn làm gẫy thân răng.

Thường trẻ sún răng ít khi bị đau, các bậc cha mẹ thường lo lắng thân răng sẽ bị cụt đi sẽ khó nhổ và ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn. Do đó chỉ có các chân răng nào gây biến chứng sưng đau nhiều mới cần nhổ trước tuổi, còn các thân răng khác không gây biến chứng chỉ nhổ khi đến tuổi thay răng.

Đến thời kỳ trẻ thay răng

Tất cả các răng cửa đều được thay thế bằng răng vĩnh viễn theo các thứ tự:

Răng cửa giữa thay khi bé 6-7 tuổi

Răng cửa bên thay khi bé 7-8 tuổi

Răng hàm sữa thứ nhất thay khi bé 9-10 tuổi

Răng nanh sữa thay khi bé 10-11 tuổi

Răng hàm sữa thứ hai thay khi bé 11-12 tuổi

Răng hàm lớn vĩnh viễn(răng 6,7,8) chỉ mọc một lần không thay, răng số 6 mọc lúc 6 tuổi, răng số 7 mọc lúc 12 tuổi, răng số 8 mọc khi 15 tuổi trở lên và còn gọi là răng khôn…

Chăm sóc răng cho trẻ là công việc thường nhật của cha mẹ. Không nên quan niệm là răng sữa sẽ thay và không cần điều trị, nhổ rồi sẽ thay bằng răng khác. Nếu nhổ răng sớm chưa đến thời kỳ thay răng trẻ sẽ không có răng để ăn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng tới việc mọc răng sau này.

BS Lê Hà




Những yếu tố làm tăng nguy cơ đau tim

- Các yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị đau tim, khả năng bạn bị bệnh này sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đừng quá hoang mang. Nếu bạn duy trì lối sống lành mạnh, nguy cơ có thể giảm.

- Tiểu đường týp 2 cũng là một yếu tố nguy cơ, bệnh này góp phần làm hẹp động mạch, gây ảnh hưởng tới tim.

- Dữ liệu thống kê cho thấy nam giới dễ bị đau tim hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chị em an toàn trước bệnh này.

- Độ tuổi cũng là một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Sau 65 tuổi, nguy cơ cao hơn do cơ thể không thể đối phó với những ảnh hưởng của các cơn đau tim.

- Cao huyết áp cũng có thể gây rắc rối cho tim. Cao huyết áp khiến bạn tăng nguy cơ đau tim, gây đột quỵ và suy thận. Bạn nên thận trọng với các thực phẩm nhiều muối.

- Thừa mỡ bụng cũng là một yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tim. Một nghiên cứu cho thấy, béo bụng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

- So với những người không hút thuốc lá, những người hút thuốc lá tăng ít nhất 2-3 lần nguy cơ đau tim. Hút thuốc lá là nguyên nhân có thể làm tổn thương động mạch và gây ra các vấn đề về cholesterol.

- Ngồi quá lâu và lười vận động sẽ tạo gánh nặng cho tim và làm tăng nguy cơ đau tim. Bạn hãy thường xuyên đứng dậy, tập các động tác giãn cơ, đi bộ, vận động để bảo vệ trái tim.

BS P.Liên

(Theo Boldsky)

Phát hiện và can thiệp sớm trẻ bị tự kỷ

Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp sớm. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chưa rõ ràng

Tự kỷ là một loại bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Một số giả thiết cho rằng, tự kỷ có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.

Nhiều ý kiến cho rằng, tự kỷ là do bất thường về gen và cấu trúc não của trẻ không bình thường (tiểu não nhỏ, các nhân não bất thường…), thiếu các chất sinh hóa trong não (ví dụ như lượng sereton). Các gen bất thường kết hợp với nhau từ khi hình thành bào thai nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp phát hiện được tự kỷ từ trong bào thai.

Phát hiện thế nào?

Bệnh tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường được phát hiện muộn hơn. Bố mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con mình vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như diễn ra bình thường. Các cháu vẫn có vẻ ngoài dễ thương hiền lành, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt. Chỉ đến khi đã hơn 2 tuổi mà không chịu nói gì hoặc không nói nữa (nếu trước đó đã bập bẹ vài từ) và có vài ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi, cha mẹ mới nghi ngờ về sự phát triển của con mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ cho đó là biểu hiện của cá tính của trẻ hoặc không chấp nhận thực tế con mình có thể mắc bệnh tự kỷ nên kiên quyết không đưa con đi khám.

Để phát hiện sớm, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc tự kỷ như sau:

- Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ. Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi, không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.

- Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14 - 16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện...

- Rất ít hứng thú kết bạn. Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi. Không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay. Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên. Rất ít hoặc không có tiếp xúc mắt. Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.

- Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc. Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể. Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường. Không thích người khác động chạm vào người.

Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ em bình thường, nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy một số dấu hiệu xuất hiện đồng thời và dai dẳng, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra hoạt động thần kinh, não và gặp các nhà chuyên môn về tâm lý để được can thiệp sớm. Việc phát hiện muộn bệnh tự kỷ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng tương tác xã hội của trẻ.

Điều trị can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL

Can thiệp sớm để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng

Trẻ bị tự kỷ cần được can thiệp sớm trong 5 năm đầu nhằm kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ làm giảm nhẹ hay khắc phục những khuyết tật của trẻ, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để trẻ có cơ hội học tập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt, dễ hòa nhập hơn với cộng đồng.

Biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ bao gồm: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân. Trẻ tự kỷ cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ được hướng dẫn, tư vấn để hỗ trợ trẻ ngay tại gia đình và cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất. Việc can thiệp có thể không dừng lại ở 5 tuổi mà có thể kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ. Sự cảm thông thấu hiểu của gia đình và xã hội là một trong những phương pháp điều trị về mặt tâm lý rất tốt, có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả điều trị của trẻ tự kỷ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức




Tiểu tiện liên tục, bệnh gì?

Tiểu liên tục do đâu?

Nói đến tiểu tiện tức là có liên quan đến hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và lỗ đái. Tiểu tiện liên tục liên quan đến các bộ phận của hệ tiết niệu nhưng quan trọng hơn cả là bàng quang. Ở người bình thường, bàng quang có thể chứa đựng được một lượng nước tiểu khá lớn (250 - 300ml) và khi lượng nước tiểu đã đầy bàng quang sẽ kích thích hệ thần kinh gây mót tiểu và phản xạ đi tiểu. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu liên tục ở NCT. Bộ phận nào của hệ tiết niệu cũng có thể lâm bệnh, nhưng trong chứng tiểu tiện liên tục, nên quan tâm nhất đến bàng quang, bởi vì là cơ quan chứa nước tiểu và có thể mắc một số bệnh gây tiểu tiện liên tục. Vì vậy, đứng hàng đầu gây tiểu liên tục là viêm bàng quang, bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ giới nhưng nữ thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Căn nguyên viêm bàng quang chủ yếu do nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là vi khuẩn E.coli, Proteus, Klebsiella, thứ đến là tụ cầu hoại sinh (S. saprophycticus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và nguy hiểm hơn là do vi khuẩn lao (Mycobacterium).

tieu tienTrong chứng tiểu tiện liên tục, nên quan tâm nhất đến bàng quang

Viêm bàng quang chủ yếu do nhiễm khuẩn

Một số trường hợp NCT bị viêm bàng quang kẽ gây nên hội chứng đau bàng quang, ngoài tiểu tiện liên tục còn bị đau tức vùng bụng dưới, mỗi lần đi tiểu đau, rát, thêm vào đó có thể gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra, NCT, còn gặp bệnh sa bàng quang cũng gây nên tiểu liên tục. Bệnh thường gặp do cơ sàn chậu hông và dây chằng bị yếu bởi sinh đẻ nhiều lúc đương thời (phụ nữ cao tuổi), ho kéo dài trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, biểu hiện đi tiểu liên tục, đi tiểu xong vẫn chưa thấy dễ chịu, đau bộ phận sinh dục, đau âm đạo (nữ) và đau lưng.

Ở nam giới trưởng thành, nhất là NCT, tiểu tiện liên tục còn có thể do bệnh của tiền liệt tuyến, đó là bệnh tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến hoặc nặng hơn là ung thư tiền liệt tuyến là những bệnh gây nên tiểu tiện liên tục, tiểu són, mót tiểu cả ban ngày lẫn ban đêm.

tieu tien

Tiểu tiện liên tục còn có thể do mắc chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài (khoảng trên 30 giây), bệnh đái tháo đường, bệnh suy tuyến giáp. Đối với bệnh đái tháo đường, do lượng đường trong máu không được kiểm soát, tăng cao, sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến đi tiểu nhiều, tiểu liên tục hoặc bị són tiểu.

Với bệnh suy tuyến giáp nếu không được điều trị sẽ dần dần làm giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển hóa và gây ra nhiều biến chứng, trong đó có các bệnh về bàng quang gây rối loạn tiểu tiện (tiểu rắt, buốt, tiểu nhiều lần, lên tục cả ngày và đêm).

tieu tien

Một số tác giả cho rằng khi NCT tăng trọng lượng, nhất là có hiện tượng béo phì cũng có liên quan đến sức khỏe của bàng quang. Bởi vì, khi dư thừa trọng lượng cơ thể sẽ tác động lên cơ sàn chậu hông và lâu dần các cơ này bị suy yếu (đặc biệt là cơ bộ phận tiết niệu) làm rối loạn tiểu tiện, và có thể gây nên hiện tượng rò rỉ nước tiểu xuống niệu đạo nhất là khi cười, ho, hắt hơi (tiểu són). Ngoài ra, tiểu tiện liên tục còn có thể do đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc an thần, hoặc gặp ở NCT bị lú lẫn, tâm thần bởi tuổi cao hoặc do tai biến mạch máu não.

tieu tien

Nguyên tắc điều trị như thế nào?

Nguyên nhân gây tiểu tiện liên tục ở NCT rất đa dạng, phức tạp, do đó việc chữa trị không đơn giản chút nào. Vì vậy, việc đầu tiên là xác định nguyên nhân, trong đó viêm đường tiết niệu, đặc biệt là viêm bàng quang cần được quan tâm, lưu ý, do đó người bệnh cần khám ở cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị. Người bệnh không nên quá lo lắng và nên tuân theo chỉ định điều trị, tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình.

Lời khuyên của thầy thuốcĐối với người tiểu tiện không tự chủ, không nên ra nhà vệ sinh ngay mà cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi. Lúc đầu có thể tè ra quần, nhưng sau đó bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được. Cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hàng ngày, nhất là nữ giới để tránh mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Nên luyện tập cơ thể thường xuyên, đúng động tác, chọn phương pháp phù hợp với từng người là hết sức cần thiết, trong đó nên lưu ý phương pháp tập co thắt cơ vùng sinh môn, co thắt niệu đạo. Cần tích cực điều trị các bệnh mạn tính làm ảnh hưởng đến tiểu liên tục (đái tháo đường, viêm phế quản mạn tính, bệnh tuyến giáp trạng…).

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Khi nào phải dùng đến men tiêu hóa?

Trẻ em cần sử dụng men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hay khi bị giảm bài tiết gây thiếu men tiêu hóa trong cơ thể như trong một số trường hợp: viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày. Trong thực tế, nhiều bà mẹ thường sử dụng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn là sai lầm bởi vì việc sử dụng không hợp lí và lâu dài men tiêu hóa sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo làm cho đứa trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa. Vì vậy trước khi sử dụng, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại men tiêu hóa, liều lượng, cách dùng và theo dõi sau khi dùng. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sáng

Cần phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh (probiotic)

Nhiều người đã hiểu nhầm men tiêu hóa là men vi sinh. Men vi sinh là những chế phẩm vi sinh được làm từ vi khuẩn hoặc nấm như antibio, lactomin-plus, bioflor, probio, bioacimin, lactomin... Men vi sinh thường dùng cho trẻ bị loạn khuẩn đường ruột do sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày. Khi bổ sung các men vi sinh này vào cơ thể, các vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh không cho các vi khuẩn có hại bám vào niêm mạc ruột để gây bệnh cho trẻ, các vi khuẩn này còn giúp bình thường hóa tính thấm của niêm mạc ruột, ngăn ngừa táo bón do tăng cường hấp thu nước vào trong lòng ruột, giúp làm mềm phân, các vi khuẩn có lợi trong men vi sinh còn giúp các tế bào niêm mạc ruột tăng sản xuất các loại kháng thể...

Dấu hiệu viêm ruột thừa

Tôi 25 tuổi, thấy đau bụng âm ỉ vùng rốn lệch về bên phải. Đó có phải là dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa không và nếu để muộn sẽ gây những biến chứng gì?

Thái Văn Châu (Nghệ An)

Triệu chứng dễ nhận thấy khi bị viêm ruột thừa là: Đau âm ỉ vùng hố chậu phải. Đau nhức bắt đầu xung quanh rốn và thường chuyển tới vùng bụng dưới bên phải. Cơn đau trở nên rõ nét hơn trong nhiều giờ. Đau nhói ở bụng dưới bên phải xảy ra khi nhấn vào khu vực này. Đau nặng hơn nếu ho, đi bộ hoặc thực hiện các chuyển động khác. Buồn nôn, ói mửa (dấu hiệu thường gặp ở trẻ em). Mất cảm giác ngon miệng. Sốt nhẹ (từ 37,5 đến 38 độ C), táo bón, bí trung tiện, tiêu chảy, trướng bụng... Khi ruột thừa bị viêm và vỡ, các chất của đường ruột và các sinh vật gây bệnh có thể bị rò rỉ vào khoang bụng gây ra nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc). Nếu ruột thừa vỡ, nhiễm trùng và sự rò rỉ các chất đường ruột có thể hình thành áp-xe (đám quánh ruột thừa). Ruột thừa áp-xe cần phải điều trị trước khi vỡ ổ áp-xe, gây nhiễm trùng rộng khoang bụng. Chính vì thế, ngay khi có dấu hiệu của ruột thừa như đã nói trên cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa là cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm bằng mổ hở hoặc mổ nội soi.

BS. Trần Quang Nhật

Nôn trớ ở trẻ nhỏ và cách xử trí

Nôn trớ cũng là biểu hiện ở nhiều bệnh khác nhau hoặc dị tật ở đường tiêu hóa. Nôn trớ kéo dài sẽ làm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, suy dinh dưỡng và nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ nôn trớ để xử trí kịp thời.

Phân biệt nôn và trớ

Nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của cơ trơn dạ dày và sự co thắt của cơ thành bụng. Trớ là hiện tượng thức ăn trào ngược đơn thuần sau khi ăn không có sự co thắt của cơ thành bụng và thường là thức ăn chưa tiêu hóa. Cần lưu ý khi trẻ bị nôn thì nên đặt trẻ nằm nghiêng để chất nôn không bị hít vào đường thở, tránh cho trẻ bị sặc.

Yếu tố nào gây nôn trớ ở trẻ?

Nôn trớ liên quan đến ăn uống

Do chế độ ăn hoặc cách cho ăn như cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ngậm vú giả, pha sữa, bú bình không đúng cách, ăn thức ăn mới lạ... Một số trẻ không dung nạp hoặc dị ứng sữa bò khi ăn thường bị tiêu chảy. Do vậy cần điều chỉnh cách cho trẻ ăn. Chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, không ép trẻ ăn quá no. Trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong bế trẻ 10 - 15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. Nếu trẻ bú bình với núm vú giả thì khi cho ăn cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt phải không khí vào dạ dày dễ gây nôn. Pha sữa đúng công thức và nên cho trẻ ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc. Nếu trẻ không dung nạp lactose sữa bò thì thay thế bằng sữa không có lactose, sữa chua, sữa đậu nành. Trẻ bị dị ứng sữa bò thì cho ăn sữa đã được thủy phân protein thành axit amin.

Nôn do rối loạn thần kinh thực vật gây co thắt môn vị

Hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vì trẻ thường phải ăn thức ăn lỏng dù sữa mẹ hay sữa bò. Nôn xuất hiện sớm trong những ngày đầu sau đẻ, chất nôn là nước sữa hoặc sữa đông vón tùy theo thời gian sữa lưu lại dạ dày. Trẻ vẫn háu ăn, cơ thể phát triển bình thường, ít bị sụt cân.

Để giảm bớt nôn trớ ở trẻ đang bú mẹ hoặc ăn sữa bò thì sau khi ăn xong bế trẻ thẳng người đầu hơi cao 5-10 phút rồi nghiêng trẻ bên trái 10 phút để không khí từ dạ dày thoát qua tá tràng rồi chuyển sang nằm nghiêng bên phải để thức ăn trong dạ dày dễ qua môn vị xuống ruột. Sau đó đặt trẻ nằm ngửa. Nôn trớ cũng sẽ giảm dần khi trẻ bắt đầu ăn chế độ đặc ở thời kỳ ăn bổ sung. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn motilium, primperan.Cho trẻ ợ hơi sau khi bú để giảm nôn trớ.

Cho trẻ ợ hơi sau khi bú để giảm nôn trớ.

Nôn do bệnh lý

Do nhiễm khuẩn hay gặp ở trẻ bị tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não. Trẻ nôn thường kèm theo sốt.

Bệnh ngoại khoa tiêu hóa: lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử... nôn thường xảy ra đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh.

Luồng trào ngược dạ dày thực quản: là hiện tượng thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Nôn trớ thường xuất hiện sớm sau đẻ, nôn trớ sau khi ăn, khi trẻ nằm hoặc khi trẻ khóc. Số lượng chất nôn ít và thường là sữa mới ăn vào.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể là hiện tượng sinh lý bình thường không ảnh hưởng đến phát triển cơ thể và tự khỏi. Nhưng cũng có thể là bệnh lý thì ngoài triệu chứng nôn còn gây viêm loét thực quản và kèm theo một số biến chứng của đường hô hấp do hít phải chất trào ngược có thể tử vong đột ngột.

Do vậy, những trẻ bị nôn do bệnh lý cần được khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Nôn do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa

Dị tật thực quản: Thực quản bị hẹp, giãn to hoặc ngắn. Nôn thường xuất hiện sớm ngay từ những ngày đầu sau đẻ, nôn ngay sau khi ăn. Thực quản ngắn làm cho dạ dày bị kéo lên phía ngực, trẻ lại luôn ở tư thế nằm cho nên các chất trong dạ dày dễ trào ngược qua tâm vị và gây viêm niêm mạc thực quản, chất nôn không chỉ là sữa mà còn có cả chất nhày, máu.

Hẹp phì đại môn vị: là do phì đại và co thắt cơ môn vị gây hẹp tắc môn vị làm cản trở thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Nôn xuất hiện muộn khoảng 2-3 tuần sau đẻ, nôn nhiều lần, nôn vọt mạnh, nôn liên tục sau khi ăn. Chất nôn là sữa hoặc sữa đông vón đọng lâu trong dạ dày. Trẻ táo bón sụt cân nhanh nhưng vẫn háu ăn. Thăm khám bụng thấy có sóng nhu động dạ dày hoặc sờ thấy u cơ môn vị di động nằm ở bờ trước gan. Nếu trẻ bị nôn do dị tật đường tiêu hóa cần được xử trí ngoại khoa.

PGS.BS. Đào Ngọc Diễn

Xử trí ngạt tắc mũi ở trẻ

Ngạt tắc mũi là chứng bệnh thường gặp ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sẽ dẫn đến bị thiếu ôxy, ảnh hưởng đến sức khỏe và vận động của trẻ. Ban đêm hay có những cơn ác mộng làm cho trẻ khóc thét. Trẻ lớn hay bị nhức đầu và không tập trung khi học tập. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc nhận biết và xử trí khi trẻ bị ngạt tắc mũi.

Khi trẻ bị viêm mũi, không tự ý dùng thuốc cho trẻ.

Khi trẻ bị viêm mũi, không tự ý dùng thuốc cho trẻ.

Bình thường, trẻ thở bằng mũi một cách chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng thì ngậm lại. Nếu chúng ta bịt bớt một bên mũi, trẻ vẫn tiếp tục thở một cách dễ dàng. Trong trường hợp mũi bị tắc, trẻ thở khó khăn và có tiếng kêu. Muốn biết mũi có bị ngạt không, ta có thể bịt một bên mũi và đặt lưng bàn tay vào sát lỗ mũi bên kia để cảm giác được luồng gió đi qua. Kiểm tra như vậy với từng lỗ mũi một. Khi bị ngạt mũi, trẻ phải thở bằng miệng nên họng khô, rát. Chất nhày của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ vướng họng hay ho và hay bị trớ; Tiếng nói không được rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ), trẻ nói giọng đặc biệt gọi là giọng mũi tắc. Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai nên trẻ có thể bị nghễnh ngãng và ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học sẽ sút kém; Tiếng thở của trẻ trở nên nặng, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản. Nguyên nhân của sự co thắt này là phản xạ bị kích thích bởi nước bọt tràn vào thanh quản. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ bị viêm V.A và có viêm thanh quản.

Ở trẻ sơ sinh, ngạt tắc mũi làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi như trước vì khi bú trẻ không thở được bằng miệng nữa nên cứ bú một lúc lại phải dừng, há mồm thở để lấy thêm oxy rồi bú tiếp, chính điều này làm cho trẻ dễ bị sặc. Trẻ lớn có thể hỏi để phát hiện được thêm triệu chứng mất ngửi khi ngạt tắc mũi. Một số trường hợp trẻ bị viêm mắt tái phát nhiều lần vì viêm nhiễm từ mũi lan lên, nếu điều trị mắt đơn thuần sẽ không giải quyết được triệt để (vì mắt có ống lệ tỵ thông xuống mũi), những trẻ này phải khám thêm chuyên khoa tai mũi họng.

Khi có dấu hiệu viêm mũi, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.

Khi có dấu hiệu viêm mũi, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.

Ngạt tắc mũi cũng có khi do dịch mũi: Nếu trẻ chảy mũi thò lò ra cửa mũi trước, trường hợp này dễ nhận biết, nếu dịch mũi đặc sẽ gây tắc ngạt mũi; nhưng khi nước mũi chảy ra phía sau rồi rơi xuống họng thì sẽ khó phát hiện. Những trường hợp này là do hốc mũi bị phù nề nên cản trở chảy dịch mũi ra trước hoặc khi bị viêm hệ thống xoang sau. Lúc này, trẻ có cảm giác vướng họng hay ho, khạc đờm hoặc buồn nôn hay nôn.

Khi nào sử dụng kháng sinh cho trẻ? Như trên đã nói, ngạt tắc mũi nói riêng và viêm mũi nói chung do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do virut. Do vậy, để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ, tránh cho trẻ như những tổn thương gan thận có thể xảy ra khi dùng kháng sinh thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được kê đơn dùng thuốc đúng. Tóm lại, thường trẻ sau 6 tháng hay bị các bệnh lý về tai mũi họng do hết lượng miễn dịch của mẹ truyền cho khi sinh. Những bệnh lý mà trẻ mắc phải 80% là do virut nên thường chỉ nên dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho nhóm long đờm, chống ngạt tắc mũi... Để cơ thể trẻ có khả năng tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này, cần phải theo dõi cẩn thận, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bội nhiễm vi khuẩn như nước mũi vàng xanh, hơi thở hôi... phải dùng kháng sinh kịp thời.

TS.BS. Phạm Bích Đào

4 thói quen tốt hàng sáng ở người cao tuổi

Tuổi càng về “xế chiều” sức khỏe thể chất cũng như tinh thần bị suy giảm có thể do nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, bệnh tật… Thế nhưng có một điều mà đôi khi ít quan tâm đó là càng về già càng có xu hướng lười vận động và suy nghĩ…

Với cuộc sống ngày nay con người được sống khỏe, sống thọ hơn và thật sự chẳng có bí mật gì nếu duy trì hoạt động thể chất và trí não hàng ngày. Bên cạnh làm chậm suy giảm nhận thức, việc luyện tập thường xuyên giúp phòng tránh các bệnh lý tim mạch, duy trì tốt hoạt động các cơ và xương khớp…

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, những người trên 65 tuổi nên có 150 phút hoạt động thể lực với cường độ trung bình hoặc 75 phút với cường độ "mạnh" mỗi tuần. Ngoài ra thường xuyên có những hoạt động trí não và đó như là liều "thuốc bổ" cho não bộ như thiền, yoga, liệu pháp thư giãn… giúp cân bằng giữa tinh thần và thể xác.

Không có gì hơn mỗi sớm mai thức dậy, có những hoạt động rèn luyện đều đặn, nên có những bài tập thể dục phù hợp với lứa tuổi và hãy tận dụng ánh sáng ban mai!

Theo Isalou Beaudet-Regen- tác giả của cuốn sách "Sự kỳ diệu của buổi sáng" thì nên duy trì những thói quen tốt sau để có một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh.

- 20 phút giúp "đánh thức" cơ thể

Các hoạt động như pilate, yoga, đi xe đạp hoặc đi bộ giúp tăng cường hoạt động cơ bắp một cách nhẹ nhàng. Ví dụ như pilate hay yoga giúp cơ thể được mềm dẻo, linh hoạt hơn.Trong khi đó đạp xe, đi bộ giúp tăng sức chịu đựng cho tim và phòng tránh các bệnh lý về tim mạch.

-30 phút kích thích não bộ

Hãy đọc quyển sách trong lúc uống cà phê, chơi sudoku hay đọc báo…Đây là khoảng thời gian để giúp não bộ "làm việc".

- 30 phút chia sẻ cảm xúc

Đây là khoảng thời gian "riêng tư" để giải tỏa những suy nghĩ, những cảm xúc như nổi lo âu, sợ hãi, những stress trong cuộc sống hàng ngày…

-10 phút để thư giãn

Những phút cuối cùng này có thể tập trung tư tưởng để thiền định, có những lời "cầu nguyện" cho bạn bè hay những người bạn yêu mến…

Trong cuộc sống đôi khi tuổi tác không quan trọng bằng việc duy trì những thói quen lành mạnh, não bộ làm việc mỗi ngày điều đó giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn để sống vui sống khỏe mỗi ngày!

Bs Ái Thủy

(Theo TopSante)

Đau đầu do thời tiết thay đổi

Phạm Thị Kiểm (Bình Phước)

Chứng đau đầu do thời tiết thay đổi (nhiệt độ chênh lớn giữa ngày và đêm, thời tiết nóng lạnh thất thường, mưa phùn ẩm ướt...) người mẫn cảm rất dễ mắc. Bệnh thường tự khỏi sau vài giờ nhưng rất khó chịu vì gây phiền toái, không thể tập trung làm việc, học hành, nhất là với những người làm nghề lái xe, điều khiển máy móc... Ngay khi xuất hiện chứng đau đầu nên nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn. Sau đó nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Chỉ uống thuốc giảm đau khi cơn đau đầu quá dữ dội và cần có đơn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ và nhờn thuốc.

Để phòng tránh đau đầu do thay đổi thời tiết, cần tăng cường thể lực bằng cách tập thể dục, dưỡng sinh, đều đặn để chống chọi với thời tiết, giải tỏa được stress và đẩy lùi cơn đau đầu tái phát. Những ngày thay đổi thời tiết, nhất là khi trời trở lạnh cần mặc đủ ấm, giữ ấm chân và tai nếu không sẽ đi tiểu nhiều sinh mất nhiệt dẫn đến đau đầu. Tránh đi lại ở những chỗ đông người, nơi ồn ào, không khí ngột ngạt... dễ dẫn đến bị tụt huyết áp và hay gây ra những cơn đau đầu.

Nên ăn thức ăn khi còn nóng, tăng cường vào thực đơn những thực phẩm giàu vitamin bằng rau củ, hoa quả (chuối, nước chanh, cam...), hạn chế ăn các loài sống dưới bùn, nước như lươn, trạch, nghêu, sò, ốc hến...

Bác sĩ Đình Xuyên

Phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Nguyễn Thị Hải (Hòa Bình)

Phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Sắt là một thành phần quan trọng cần thiết cho quá trình tạo máu. Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là một bệnh tiến triển âm thầm nên thường bị bỏ qua. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là do chế độ ăn thiếu chất sắt so với nhu cầu của cơ thể, ngoài ra còn có nguyên nhân do nhiễm giun (các loại giun sống ký sinh trong ruột, ăn các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, trong đó có chất sắt; hoặc như giun móc làm chảy máu đường tiêu hóa, cơ thể bị mất máu kéo dài, dẫn đến thiếu máu). Các dấu hiệu để nhận biết thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt ở trẻ em bao gồm: trẻ biếng ăn, hay quấy khóc, chậm lớn, hệ miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng đến chỉ số thông minh (IQ).

Đối với các em lứa tuổi học đường: giảm phát triển trí tuệ, vận động, giảm khả năng học tập và hoạt động thể lực, giảm phát triển thể lực, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng. Để phòng bệnh thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt cho con, bạn cần đa dạng hóa bữa ăn: cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc động vật (trứng, thịt bò, cá, gan, tim, bầu dục, tiết,...; nguồn gốc thực vật: các loại đậu đỗ... và thực phẩm giàu vitamin C giúp hấp thu sắt; phòng chống bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán, tiến hành tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi; cho trẻ bú sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu. Nếu thấy con có những biểu hiện bất thường nên cho con đến bác sĩ thăm khám để được tư vấn cụ thể.

BS. Văn Hào

Tại sao cần phải được kiểm tra tâm soát thính giác cho bé?

Trẻ em bắt đầu học nói ngay từ khi mới sinh. Các bé nào nghe tốt sẽ học được rất nhiều về thế giới thông qua âm thanh. Nếu con của bạn không thể nghe tốt, con bạn có thể gặp trở ngại về phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và học nói.

Mỗi năm, khoảng 100 em bé (1 em trong số 400 trẻ được sinh ra) sinh tại British Colombia (B.C) bị mất thính giác vĩnh viễn. Với những em bé cần chăm sóc đặc biệt khi mới sinh, có khoảng 1 trong số 50 trẻ sinh ra bị mất thính giác vĩnh viễn.

Hầu hết các em bé bị mất thính giác, không có dấu hiệu rõ ràng để cho chúng ta biết. Không thể nào biết được con của bạn nghe tốt như thế nào chỉ bằng cách quan sát phản ứng của bé với âm thanh hàng ngày. Đó là lý do quan trọng tại sao mỗi em bé sơ sinh phải được kiểm tra tầm soát thính giác.

Con tôi sẽ được kiểm tra tầm soát thường quy gì ?

Các test thính học quan trọng đối với trẻ sơ sinh và gia đình vì rất nhiều việc có thể được thực hiện nếu mất thính giác được sớm phát hiện trong cuộc đời.

Tại B.C, tất cả em bé có thể được kiểm tra tầm soát thính giác. Hầu hết các em bé sinh tại bệnh viện được kiểm tra tầm soát thính giác trước khi rời bệnh viện. Nếu con của bạn chưa được kiểm tra tầm soát thính giác, hãy liên lạc với đơn vị y tế tại địa phương của bạn .

Kiểm tra tầm soát khiếm thính rất an toàn và không làm đau em bé của bạn. Các âm thanh nhỏ được đưa vào tai của con bạn, trong khi đó máy vi tính đo các đáp ứng. Việc kiểm tra tầm soát được thực hiện tốt nhất, ít nhất 12 tiếng sau khi sinh và trong lúc con quý vị nằm yên hoặc đang ngủ.

TTƯT.BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY​ (Theo www.healthlinkbc.ca)

Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh

Phạm Hương( Ninh Bình)

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là một bệnh lý tim mạch ngày càng gặp phổ biến trong nhi khoa, khi mà các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về thiếu dinh dưỡng ngày càng giảm dần. Tại các nước phát triển, tỷ lệ TBS nằm trong khoảng từ 0,7 - 1% trẻ sinh ra còn sống. Ở Việt Nam, theo báo cáo của các bệnh viện nhi, tỷ lệ bệnh TBS là khoảng 1,5% trẻ vào viện và khoảng 30-55% trẻ vào khoa tim mạch.

Bệnh TBS nếu không được phát hiện sớm có thể gây tử vong đáng tiếc do rối loạn tuần hoàn cấp tính. Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau đây: trẻ hay ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân; tăng lên khi khóc, khi rặn, khi bú…; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…), cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng, muốn ngừa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, bạn cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe trước và trong khi mang thai: cải thiện môi trường đang sống, tránh để ô nhiễm; tránh các tác nhân vật lý, hoá học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá…; tiêm phòng đầy đủ hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsaskie B…; nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, luput ban đỏ lan tỏa… thì cần điều trị sớm.

BS. Tuấn Anh

Làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?

Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng vào những ngày lễ Tết, nếu ăn uống không hợp lý rất dễ xảy ra, trong đó đáng quan tâm hơn cả là trẻ em và người cao niên. Bởi vì, hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh (trẻ nhỏ) hoặc đã bị suy giảm (người già). Tuy vậy, rối loạn tiêu hóa không nhất thiết là bệnh lý, nhiều trường hợp không phải bệnh lý.

Nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý?

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa nhưng không phải do bệnh lý, trong đó, đáng chú ý hơn cả là do chế độ ăn uống không hợp lý. Trẻ em hoặc người già, ngay cả người trưởng thành, ăn quá nhiều bữa, mỗi lần ăn quá no, ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm, tinh bột, trong khi đó ăn ít rau quả tươi, có thể bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, ăn không đúng bữa, ăn thức ăn dự trữ của ngày hôm trước hoặc đã để lâu ngày, nhất là trong những ngày Tết, do thức ăn dư thừa qua mỗi bữa ăn sẽ dẫn đến tình trạng hệ men tiêu hóa không sản xuất kịp hoặc không đủ để tiêu hóa thức ăn biểu hiện đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch khó chịu, thậm chí gây phản xạ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng hoặc nát (người lớn), hoa cà, hoa cải, xanh, có bọt, mùi tanh (trẻ nhỏ).

Hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh khiến trẻ nhỏ rất hay bị rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do dùng quá nhiều kháng sinh hoặc dùng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột cho nên men của chúng sản xuất ra bị đình trệ không góp phần vào tiêu hóa thức ăn làm rối loạn tiêu hóa (gọi là loạn khuẩn). Vì vậy, trong những ngày lễ Tết, mỗi gia đình nên có một số thuốc cơ bản để sử dụng khi cần thiết nhưng tuyệt đối không mua kháng sinh dự phòng, trừ trường hợp có đơn thuốc của bác sĩ. Lý do là thuốc kháng sinh rất dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp dùng kháng sinh liều cao kéo dài có thể gây tình trạng tiêu chảy nặng hơn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế, vì vậy, những ngày Tết nếu không biết tự kiềm chế, uống quá nhiều sẽ đau bụng, nôn mửa, thậm chí gây ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa gây nôn, ọe, thậm chí không ăn uống được do rối loạn nội tiết như một số phụ nữ nghén khi mang thai. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn có thể do ăn quá nhanh, thói quen vừa ăn vừa làm việc (vừa ăn vừa đọc báo, xem truyện, xem Ipad...), hoặc ăn nhiều loại gia vị chua cay (ớt, bồ tạt, chanh, dấm,...).

Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý gặp vô vàn lý do khác nhau (hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng dạ dày - tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mạn tính...) và nhiều bệnh ngoài đường tiêu hóa nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa (sỏi tiết niệu, bệnh gan mật, tụy tạng, rối loạn thần kinh thực vật,...).

Khi bị rối loạn tiêu hóa nên làm gì?

Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có từng mức độ khác nhau ở mỗi người, vì vậy, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi rối loạn tiêu hóa đầy hơi, trướng bụng, nôn kèm theo đau bụng. Trước hết, để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời (nếu do bệnh lý) để đề phòng mắc bệnh cấp tính (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm), thứ đến là được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý bất kể là lứa tuổi nào (nếu rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý).

Làm sao để phòng bệnh?

Chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng, nhất là trong các ngày vui Tết. Để tránh rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn thức ăn đã để nhiều giờ hoặc đã để qua đêm mà không được bảo quản cẩn thận, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố, không ăn rau sống. Cần tránh xa các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, gỏi).

Các bà nội trợ nên chọn mua thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt (rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,…) và nên mua ở các cơ sở cung cấp có uy tín.

Mọi người nên ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều bữa, quá no. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá. Tránh lạm dụng rượu, nhất là trong các ngày vui tết.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu